Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 07/10/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

Updated : 2021/11/12


Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 07/10/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2021, với một số nội dung quan trọng như sau:
 
1. Nguyên tắc: 
Tổ chức thi phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực tiếng Việt của người được đánh giá về 04 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.
 
2. Hình thức thi:
- Đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

-Các kĩ năng nghe, đọc, viết: được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính (sau đây gọi là máy tính).

- Kĩ năng nói: được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính.

 

3. Chứng chỉ:

- Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

- Bộ GDĐT quy định mẫu chứng chỉ tiếng Việt.

- Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Việt do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định.

 

4. Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt:

- Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam;

- Các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài.

 

5. Đối tượng dự thi:

Các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực tiếng Việt và cấp chứng chỉ tiếng Việt:

- Có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ; đóng đầy đủ lệ phí thi, lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định;

- Không trong thời gian bị cấm thi theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 29 Quy chế ban hành kèm Thông tư trên.

6. Đăng ký dự thi:

- Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

+02 ảnh cỡ 4x6 (cm) được chụp không quá 06 tháng trước ngày đăng ký dự thi, mặt sau của ảnh ghi rõ họ và tên, ngày sinh; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực;

+ Phiếu đăng ký dự thi (gồm thông tin về họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, số và ngày cấp hộ chiếu, thời gian, địa điểm đăng ký dự thi và các thông tin cần thiết khác);

- Việc đăng ký dự thi thực hiện theo một trong những cách sau:

+Cá nhân trực tiếp đến đăng ký tại đơn vị tổ chức thi hoặc đăng ký trực tuyến qua trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi;

+ Cá nhân thông qua tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục nơi đang công tác, học tập đăng ký dự thi với đơn vị tổ chức thi.

7. Duyệt kết quả thi:

- Sau khi có kết quả phúc khảo trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, Hội đồng thi tổng hợp kết quả thi, xếp bậc năng lực tiếng Việt đạt được của thí sinh theo quy định về quy đổi điểm sang các bậc năng lực tiếng Việt do Bộ GDĐT ban hành, trình Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi duyệt kết quả thi; hồ sơ duyệt kết quả thi gồm:

+Danh sách kết quả thi cụ thể theo từng kĩ năng của tất cả thí sinh, trong đó có ghi bậc năng lực tiếng Việt đạt được của những thí sinh đã dự thi đầy đủ 4 kĩ năng trong kỳ thi;

+Tờ trình đề nghị duyệt kết quả thi, trong đó có các số liệu chung về kỳ thi.

- Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi duyệt kết quả thi trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ khi nhận tờ trình đề nghị duyệt kết quả thi.

- Ngay sau khi kết quả thi được duyệt, đơn vị tổ chức thi công bố kết quả thtrên trang thông tin điện tử của đơn vị.

8. Quản lý chứng chỉ:

Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi được quy định tại Điều 4 Quy chế này cấp chứng chỉ cho thí sinh đủ điều kiện; trong đó, ghi rõ bậc năng lực tiếng Việt đạt được của thí sinh.

- Việc quản lý và cấp phát, thu hồi chứng chỉ thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT.

Xem và tải tại đây