Sinh viên hào hứng tham gia Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản
Updated : 2024/11/23
Sáng ngày 22/11/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Japan Foundation) tổ chức Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản.
Tham dự Chương trình, về phía Tổng Lãnh sự Quán Nhật Bản tại Đà Nẵng có ông Mori Takero - Tổng Lãnh sự, ông Terado Hirotsugu - Lãnh sự; có ông Yoshioka Norihiko - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; GS.TS. Inoue Sayaka - Trưởng nhóm, Nhóm Nghiên cứu và Phát triển, Bảo tàng Văn hoá Manyou tỉnh Nara, Nhật Bản; cùng các thầy cô là giảng viên, nhà nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản, các diễn giả.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN có TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Thị Như Ý - Trưởng khoa, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản (NN&VHNB), cùng đại diện lãnh đạo, các giảng viên và sinh viên.
Toàn cảnh Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN
Phát biểu khai mạc Chương trình, TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản mang đến cơ hội cùng tìm hiểu, khám phá và chia sẻ những giá trị trường tồn từ văn học cổ điển Nhật Bản, đồng thời nâng cao nhận thức về sự giao thoa văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, hai quốc gia có mối quan hệ lâu dài và gắn bó.
Không chỉ là dịp để cùng nhau ôn lại những bài học về sự tôn trọng giá trị văn hóa, về sự thấu hiểu và giao lưu giữa các dân tộc, Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản với những bài phát biểu đề dẫn của các chuyên gia và phần thi Ngâm thơ của các em sinh viên cũng là cơ hội để học hỏi, cảm nhận và trải nghiệm một phần tâm hồn Nhật Bản qua các tác phẩm văn học nổi tiếng.
TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Phát biểu chào mừng Chương trình, ông Yoshioka Norihiko - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, khi bắt đầu học tiếng Nhật cũng như các kiến thức về Nhật Bản, bên cạnh việc tìm hiểu về kinh tế và xã hội hiện đại, việc học về “cổ điển” cũng rất quan trọng, bởi điều này không chỉ giúp người học hiểu sâu hơn về tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản mà còn có được những ý tưởng, tư duy mới và cả những chủ đề nghiên cứu mới.
Ông Yoshioka Norihiko - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu
Thông qua cuộc thi Ngâm thơ Waka diễn ra trong khuôn khổ Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản, ông Yoshioka Norihiko bày tỏ tin tưởng rằng với thái độ “ôn cố tri tân” (hãy học hỏi từ những điều cũ) và “phù bất di lưu” (đón nhận cái mới) khi học về ngôn ngữ Nhật, chắc chắn người học sẽ thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong tương lai và trở thành những nhân tài quý giá đối với cả Nhật Bản và Việt Nam.
Tặng hoa Ban Giám khảo Cuộc thi Ngâm thơ Waka
Tại Chương trình, GS.TS. Inoue Sayaka - Trưởng nhóm, Nhóm Nghiên cứu và Phát triển, Bảo tàng Văn hoá Manyou tỉnh Nara, Nhật Bản đã trình bày phát biểu đề dẫn. PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia (ĐHQG) Thành phố Hồ Chí Minh và TS. Võ Minh Vũ - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội đã có bài tham luận về Chương trình giảng dạy Nhật Bản học.
GS.TS. Inoue Sayaka phát biểu đề dẫn (bên trái), TS. Võ Minh Vũ (ở giữa ) va PGS. TS Nguyễn Tiến Lực ( bên phải) trình bày tham luận
Trọng tâm của Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản là Cuộc thi Ngâm Thơ Waka. Tại sân chơi này, các sinh viên năm 4 của Khoa NN&VHNB sẽ ngâm một bài thơ Waka bằng tiếng Nhật (tự chọn) và trình bày cảm nghĩ về bài thơ. Sau thời gian tranh tài sôi nổi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã lần lượt trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho các thí sinh có phần trình bày ấn tượng.
Theo đó, Giải Nhất được trao cho sinh viên Phạm Thị Mỹ Phương (lớp 21CNJ01); Giải Nhì được trao cho các sinh viên Phan Thị Thu Hậu (lớp 21CNJCLC01) và Trần Thị Cẩm Linh (lớp 21CNJ01); Giải Ba trao cho các sinh viên Trần Nguyễn Bảo Ngọc (lớp 21CNJ01), Lê Đăng Khánh (lớp 21CNJCLC01) và Bùi Thị Ngọc Yến (lớp 21CNJCLC01).
Ban Tổ chức và Ban Giám khảo trao thưởng và giấy chứng nhận cho các thí sinh tham gia Cuộc thi Ngâm thơ Waka
Tham dự và là Ban Giám khảo Cuộc thi, ông Mori Takero - Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng đã bày tỏ xúc động khi nghe các sinh viên Khoa NN&VHNB ngâm Thơ Waka. Đồng thời, Ông cũng gửi lời cảm ơn và kính trọng sâu sắc đến tập thể lãnh đạo và giảng viên Khoa NN&VHNB nói riêng, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN nói chung khi tổ chức thành công Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản - một chương trình đậm chất nghệ thuật, văn hóa và có tính giáo dục cao.
Ông Mori Takero - Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng phát biểu
Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự Mori Takero bày tỏ hy vọng thông qua cuộc thi Ngâm thơ, các sinh viên đang theo học tại Khoa NN&VHNB của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN sẽ góp phần lan tỏa sự hiểu biết về mỹ học Nhật Bản ra toàn thế giới.
Chụp ảnh lưu niệm tại Chương trình
“Tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN, chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên không chỉ học ngôn ngữ mà còn tìm hiểu văn hóa, lịch sử của các quốc gia mà mình đang nghiên cứu. Tôi hy vọng rằng ngày hôm nay sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc kết nối các sinh viên yêu thích văn học và ngôn ngữ Nhật Bản, cũng như mở ra nhiều cơ hội học hỏi, khám phá thêm những giá trị mới mẻ từ nền văn hóa độc đáo này” - TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đặc biệt chia sẻ tại Ngày Văn học Cổ điển Nhật Bản.
- Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật 2024 (23/11/2024)
- Tiếp đoàn Trường Đại học Cyber Hankuk,Hàn Quốc (22/11/2024)
- Tiếp đoàn công ty cổ phần Dears Brain Holdings, Nhật Bản (22/11/2024)
- Giao lưu trực tuyến với tường THPT Senyo, TP.Sakai, Nhật Bản (22/11/2024)
- Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng tổ chức Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2024)
- UFLS Channel: Clip chào mừng Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2024)